Lượt xem: 606

Xuân đến sớm trên những cánh đồng thu hoạch lúa Đông Xuân

Thời điểm này, nhiều trà lúa Đông Xuân sớm của tỉnh Sóc Trăng đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Trái với tâm trạng lo lắng vào những tuần trước, hiện nay năng suất lúa đã đạt tương đối hơn, giá bán cũng ở mức cao hơn so với vụ vừa rồi. Mùa Xuân như đến sớm hơn trên  những cánh đồng từ niềm vui trúng mùa, được giá của bà con nông dân.

 


Hiệu quả từ canh tác giống lúa đặc sản mang đến niềm vui Tết trọn vẹn hơn cho thành viên HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phú

 

    Nếu như những trà lúa Đông Xuân được thu hoạch vào hai tuần trước chỉ đạt năng suất và giá bán ở mức tương đối, thì những trà lúa đang được thu hoạch vào thời điểm này có giá bán và năng suất ở mức cao hơn. Tính riêng tại những cánh đồng canh tác giống OM18, năng suất lúa hiện đã đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, giá bán được thương lái thu mua là 6.900 đồng/kg, cao hơn gần 1.000 đồng so với vụ rồi. Nông dân Nguyễn Hoàng Lâm, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị phấn khởi cho biết: “Vụ này canh tác 26 công, hiện nay đã thu hoạch được 18 công rồi, 1 công như vậy là được 6,2 triệu, lời cũng hơn 3 triệu đồng mỗi công. Năng suất mỗi công 900kg, hơn vụ rồi khoảng 100kg. Năng suất và giá bán như vậy là rất ổn. Năm nay thấy ăn Tết vui vẻ rồi”.

    Để tiết giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, bên cạnh áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật canh tác theo hướng “3 giảm 3 tăng” hay “1 phải 5 giảm”, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh còn ưu tiên chuyển đổi sang canh tác các giống lúa đặc sản để lúa cứng cây, ít sâu bệnh và sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết cực đoan. Chỉ tính riêng trên những đồng lúa canh tác giống ST25, mỗi 1 ha đã có thể tiết kiệm chi phí sản xuất từ 4 - 5 triệu đồng. Mặc dù năng suất không có sự chênh lệch nhiều so với những giống lúa thường nhưng bù lại, giá bán luôn ở mức cao hơn. Hiệu quả từ việc canh tác lúa đặc sản ở vụ Đông Xuân năm nay đã mang đến niềm vui Tết trọn vẹn hơn cho nhiều nông dân. Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phú, huyện Long Phú - Hồ Thanh Liêm thông tin thêm: “Năng suất so với giống lúa thường thì từ bằng đến hơn. Tính ra lợi nhuận khi làm lúa đặc sản ST25 này cao hơn nhiều so với sản xuất thường, giá bán chênh lệch từ 500 - 600 đồng/kg. Lợi nhuận cao hơn so với những giống lúa thường là từ 400 - 500 ngàn đồng/công”.

    Vụ lúa Đông Xuân 2022 – 2023 của tỉnh Sóc Trăng hiện đã xuống giống được gần 150.000 ha, đạt gần 90% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 18.000 ha lúa đã thu hoạch, tập trung tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và Mỹ Tú. Căn cứ vào khung lịch thời vụ được bố trí dựa theo diễn biến điều kiện nguồn nước nên từng vùng sản xuất có tiến độ gieo sạ và thu hoạch khác nhau. Theo đó, sẽ có khoảng 100.000 ha thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm lúa dễ mắc phải một số dịch hại gây ảnh hưởng đến năng suất, cùng với đó, xâm nhập mặn hiện đã bắt đầu xuất hiện tại một số kênh đầu nguồn trên địa bàn tỉnh. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện nhằm thực hiện biện pháp phòng trừ hiệu quả. Riêng những trà lúa đã đạt đủ độ chính, cần khẩn trương tiến hành thu hoạch nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng trong điều kiện mưa trái mùa vẫn còn kéo dài. Đồng chí Trần Vĩnh Nghi – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Chúng tôi lưu ý bà con nông dân nên gia cố bờ bao để tránh nước mặn rò rỉ vào ruộng, theo dõi các thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên phương tiện thông tin đại chúng, trước khi lấy nước vào ruộng nên thử độ mặn. Thời gian tới thì rầy nâu có khả năng gia tăng mật số và lây lan trên diện rộng, khi bón phân bà con nên chú ý bón cân đối NPK, hạn chế bón thừa phân đạm, giữ nước trong ruộng, không để ruộng bị khô hạn. Khi ruộng bị đạo ôn, nhất là khi phát hiện vết chấm kim, cần kết hợp phun bằng các loại thuốc đặc trị bệnh, tuân theo nguyên tắc “4 đúng” khi phun, lưu ý không nên pha thuốc và phân bón lá để phun chung. Bà con cũng cần chú ý thêm một số đối tượng gây hại khác, như: Rầy phấn trắng, chuột, sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá, các bệnh do vi khuẩn và lem lép hạt”.

    Giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tuần tới khi xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 đang cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan vì nhu cầu dự trữ tại các nước tăng cao, đặc biệt là khi Trung Quốc sẽ bắt đầu mở cửa sau thời gian dài thực thi chính sách “Zero COVID”.  Để gạo Sóc Trăng có nhiều cơ hội “thâm nhập” thị trường ngoài nước, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng hiện vẫn đang tăng cường thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ lúa gạo nhằm hình thành vùng nguyên liệu ổn định, áp dụng đồng nhất quy trình canh tác để hạt gạo đạt đúng tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu yêu cầu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 10153
  • Trong tuần: 77,473
  • Tất cả: 11,861,662